tctuvan

New Member

GIỚI THIỆU BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH - CHI NHÁNH TP HỒ CHÍ MINH


Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh hiện tọa lạc tại số 1 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4. Đây là một trong những đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một chi nhánh nằm trong Hệ thống các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
Bảo tàng đặt trong ngôi nhà trước đây là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế (Messageries Impériales) - một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng từ giữa năm 1862 và hoàn thành vào năm 1863 với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "Lưỡng long chầu nguyệt" - một kiểu trang trí quen thuộc của đình chùa Việt Nam. Với kiểu kiến trúc độc đáo đó nên trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế (Hotel des Messageries Impériales) còn được gọi là Nhà Rồng và bến cảng cũng mang tên là Bến cảng Nhà Rồng. Năm 1870, Công ty Vận tải Hoàng đế (Hotel des Messageries Impériales) đổi thành công ty Vận tải Hàng hải (Messageries Maritimes) nhưng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động không thay đổi. Công ty đã thay thế mặt trăng trên nóc nhà bằng biểu tượng của công ty, đó là: vương miện, mỏ neo và đầu ngựa; chính vì vậy công ty còn được gọi là hãng Đầu Ngựa.

Năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại ở Việt Nam, thương cảng Sài Gòn – trong đó có Nhà Rồng được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý. Họ đã cho tu bổ lại mái ngôi nhà và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng khác với tư thế quay đầu ra. Năm 1965, ngôi Nhà Rồng do quân đội Mỹ sử dụng làm trụ sở của Cơ quan Tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ. Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, Nhà Rồng - biểu tượng của cảng Sài Gòn - thuộc Cục đường biển Việt Nam quản lý.

Một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến cảng Sài Gòn và thành phố Hồ Chí Minh đó là vào ngày 5/6/1911, Bác Hồ (lúc bấy giờ lấy tên là Văn Ba) đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn, để đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Người đã đi qua Pháp và nhiều nước với nhiều châu lục khác nhau, để sau 30 năm trở lại đất nước, trực tiếp lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc giành độc lập thống nhất Tổ quốc.

Để ghi nhớ sự kiện trên, sau ngày đất nước thống nhất, ngôi Nhà Rồng được giữ lại làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1315/QĐ-UB, ngày 7/9/1979, của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người - nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về "Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1945)". Sau hơn 10 năm hoạt động, đến ngày 30/10/1995, Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh ra quyết định số 7492/QĐ-UB-NCVX chuyển "Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" thành "Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh". Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở các tư liệu, hiện vật của Bảo tàng; đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục rộng rãi nhằm làm cho tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi sâu vào quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, Bảo tàng còn phối hợp và liên kết có hiệu quả với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, xuất bản các ấn phẩm, chiếu phim tư liệu, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện những bộ sưu tập hiện vật, những tư liệu hồi ký về Bác Hồ; trưng bày lưu động các chuyên đề có liên quan đến hoạt động của Người. Ngoài ra, Bảo tàng còn là nơi các tổ chức đoàn thể đến tổ chức các hoạt động phong trào sinh hoạt truyền thống: các cuộc họp mặt, học tập, vui chơi, kết nạp Đảng, Đoàn, Đội; là nơi ra quân của nhiều phong trào cách mạng sôi nổi của thành phố. Thành phố cũng thường chọn nơi đây để tổ chức kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước và thành phố, đặc biệt các ngày 30/4, 19/5, 5/6, 2/9…

Hơn 30 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một trung tâm giáo dục về lịch sử cách mạng, về tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng đã đón tiếp trên 30 triệu lượt khách tham quan từ khắp nơi trong nước và khách quốc tế, đặc biệt có hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia và cao cấp các nước đến thăm viếng, tìm hiểu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.... Với những thành tích trên, Bảo tàng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (1997), Huân chương Lao động hạng Nhì (2009). Đặc biệt, năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Rồng đã được chọn làm biểu tượng của Thành phố. Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Hiệp hội Lyon của Pháp đầu tư trang bị hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cho Bảo tàng, công trình đã khánh thành vào ngày 21/11/1998, làm nổi bật một cách hài hòa các khối kiến trúc đem lại sức sống và năng động cho ngôi Nhà Rồng về đêm. Ngày 31/5/2011, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 2671/QĐ-UBND công nhận Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp thành phố.



Bến Nhà Rồng – Di tích lịch sử Bảo tàng Hồ Chí Minh




Kể từ thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bến Nhà Rồng, trên sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, ra đi tìm đường cứu nước đã hơn 100 năm. Ngày nay, bến Nhà Rồng đã trở thành nơi mà các thế hệ cháu con đất Việt tìm về để hiểu và trân trọng hơn những giá trị của lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh Cách mạng kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Bến cảng Nhà Rồng hiện nay thuộc quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Vào thời điểm năm 1863, người Pháp xây dựng công trình này để làm trụ sở Công ty tàu biển Năm Sao. Trong lúc nhân dân Việt Nam phải sống trong phận đời nô lệ, bị áp bức, lầm than, từ chính nơi này, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville của Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Để tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch trong nước và quốc tế, năm 1979, bến Nhà Rồng được chọn làm địa điểm trưng bày những hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Khi đó, nơi đây chỉ là nhà lưu niệm với quy mô còn hạn chế. Đến năm 1995, nhà lưu niệm được xây dựng quy mô hơn, hiện vật cũng được sưu tầm nhiều hơn và chính thức đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là nơi trưng bày các hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam và tình cảm của người dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Toàn bộ số tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đang trưng bày lên tới con số gần 20 nghìn. Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, tuyên truyền giáo dục về cuộc đời sự nghiệp của Bác, trong những năm gần đây, cán bộ công nhân viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh còn tập trung sưu tầm những hiện vật và các câu chuyện kể về Bác chủ đề “Tình cảm Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của người dân miền Nam đối với Bác Hồ” và “Hành trình tìm đường cứu nước của Bác” để làm phong phú hơn cho bảo tàng. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng tuyên truyền và giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Không chỉ riêng tui mà tất cả các anh chị cũng như các bạn trong phòng tuyên truyền hàng ngày phải đọc sách, nghiên cứu tư liệu, đặc biệt là có những nghiên cứu theo những chuyên đề. Ví dụ đối với những đối tượng sinh viên thì mình sẽ giới thiệu như thế nào, khách du lịch thì giới thiệu ra sao, tức là phải có phương pháp giới thiệu phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, mình sẽ khai thác những câu chuyện hay những hiện vật để thu hút cũng như làm cho khách hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.Ngoài ý nghĩa lịch sử, mỗi kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn là hiện thân của tình cảm và sự kính yêu mà mỗi người con miền Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điển hình như chiếc áo trấn thủ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thương binh đặc biệt Lê Thống Nhất, nguyên là chiến sĩ trinh sát đặc công quân khu 9; Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các cá nhân điển hình tiên tiến; Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vật dụng dùng để làm cơm cúng giỗ Người hàng năm của một gia đình đồng bào miền Nam; những băng tang đen của các chiến sỹ để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Nhà tù Côn Đảo và Nhà giam Chí Hòa khi Người mất; cây bút máy có khắc chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho ông Lê Minh Đức – cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc… Từ những kỷ vật này cùng với những câu chuyện kể của cán bộ hướng dẫn viên trong bảo tàng đã giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Minh Thiện, sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Khoa học và Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Khi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh tham quan, tui cảm nhận sâu sắc thêm những hình ảnh và những tác phẩm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và đã trải qua trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hình ảnh đó đã mang nhiều ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên chúng tôi. Qua chuyến tham quan này chúng tui học tập được Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sự cống hiến và nhiệt thành để phấn đấu cho tương lai sau này”.Hiện nay, lượng du khách đến tham quan tìm hiểu các tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng càng ngày càng đông hơn. Năm 2012, bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón 350 nghìn du khách trong nước và quốc tế và 7 tháng đầu năm nay, lượng khách đến đây là hơn 250 nghìn người. Mới đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã đưa vào hoạt động công trình cải tạo, mở rộng chi nhánh Bảo tàng với kinh phí 47 tỷ đồng nhằm phục vụ tốt hơn cho mọi đối tượng trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Đối với Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh chúng tui đã hai lần được chọn vào Top 10 điểm tham quan đặc sắc trong bình chọn “Thành phố Hồ Chí Minh- 100 điều thú vị”. Mỗi năm số lượng khách đông hơn. Những năm trước diện tích để mình thực hiện trưng bày chưa được nhiều, hiện vật có nhưng chưa có chỗ để trưng. Thì vừa rồi mới xong công trình cải tạo, mở rộng nói chung là tương đối hiện đại để phục vụ tốt nhất khách tham quan”.Hơn 100 năm đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, bến Nhà Rồng cũng thay đổi nhiều theo thời gian. Sài Gòn năm xưa nay là Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của đất nước, năng động và không ngừng phát triển. Với giá trị lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng và di tích lịch sử Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh và là niềm tự hào của nhân dân cả nước./.
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top