Trong lao động, sinh hoạt có những tai nạn bất ngờ gây gãy xương. Sau khi bị chấn thương, hay tai nạn tại nơi gãy thấy xuất hiện sưng nề, bầm tím, quan sát kỹ có thể thấy chi gãy bị lệch so với tư thế bình thường, lấy dây đo thì thấy chi bị gãy ngắn hơn bên chi bên lành. Khi ấn vào chỗ nghi là gãy xương bệnh nhân bị đau chói, không chịu được. Đối với các trường hợp gãy các xương lớn như xương đùi, xương chậu, bệnh nhân rất dễ bị sốc do mất máu và đau. Khi xương bị gãy, điều quan trọng nhất là phải nẹp bất động trước khi được chuyển đến cơ sở y tế để thầy thuốc xử lý. Đồng thời với việc bất động tốt, phải cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau trước khi vận chuyển đến bệnh viện. Đối với các trường hợp gãy cổ hay gãy lưng phải cực kỳ thận trọng khi di chuyển. Hãy cố gắng không thay đổi tư thế bệnh nhân cho tới khi có thầy thuốc đến hỗ trợ. Các trường hợp gãy cột sống nếu không được bất động tốt, vận chuyển không nhẹ nhàng đúng cách sẽ rất dễ làm tổn thương tuỷ sống gây liệt, hay tử vong. Trong thực tế, có nhiều trường hợp gãy xương nhưng do bất động không tốt, xương gãy đã làm tổn thương cơ, mạch máu, thần kinh tại nơi gãy khiến bệnh nhân bị đau, dẫn tới sốc và tử vong trên đường đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Vì vậy vấn đề xơ cứu và bất động tốt đối với các trường hợp gãy xương là hết sức quan trọng, tránh cho bệnh nhân bị tổn thương thêm và giúp xương nhanh liền khi điều trị.
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top