Akihiko

New Member
Câu hỏi 490 (Nam Phong): (Ngày 25/09/09) Trong thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2008 thì "Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính; lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản (giai đoạn trước hoạt động sản xuất kinh doanh)" không được tính vào chi phí thuế tính Thuế TNDN. Nhưng theo QĐ 15/2006/QĐ-BTC thì vẫn được ghi nhận vào TK 635 hay phân bổ vào chi phí hằng năm. Như vậy, cuối năm kế toán có phải đánh giá chênh lệch tỷ giá các khoản tiền có gốc ngoại tệ nữa không. Và nếu có thì sẽ hạch toán vào đâu, sự khác biệt giữa chế độ kế toán và luật thuế TNDN ở trường hợp này phải giải quyết như nào?
 
Trả lời:

1) Theo Thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 thì chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ ở thời điểm cuối năm tài chính đã được ghi nhận là chi phí trong kỳ (chi phí tài chính) để xác định kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng không được tính là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trong trường hợp này, theo quy định hiện hành, khoản chênh lệch tỷ giá đó được coi là chênh lệch vĩnh viễn, tức là phải cộng thêm vào lợi nhuận kế toán để xác định thu nhập chịu thuế.

2) Cũng theo Thông tư 130, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản (giai đoạn trước hoạt động sản xuất kinh doanh) không được tính vào chi phí được trừ. Quy định này hoàn toàn trùng hợp với quy định tại chuẩn mực kế toán số 10 “Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái” và chế độ kế toán doanh nghiệp (xem hướng dẫn TK 413):

- Trong giai đoạn đầu tư XDCB, khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện và chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối năm tài chính của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phản ánh luỹ kế trên Bảng cân đối kế toán (chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái”).

- Khi kết thúc quá trình đầu tư xây dựng, toàn bộ chênh lệch tỷ giá hối đoái thực tế phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng (Lỗ hay lãi tỷ giá hối đoái) không tính vào trị giá TSCĐ mà kết chuyển toàn bộ một lần (nếu nhỏ) vào chi phí tài chính, hay doanh thu hoạt động tài chính của năm tài chính có TSCĐ và các tài sản đầu tư hoàn thành bàn giao đưa vào hoạt động hay phân bổ tối đa là 5 năm (Nếu lớn, kể từ khi công trình đưa vào hoạt động).

Trong thực tế, nếu doanh nghiệp bạn đã ghi nhận chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn XDCB (giai đoạn trước hoạt động sản xuất kinh doanh) không đúng với chế độ kế toán thì phải điều chỉnh lại cho đúng.

PTĐ

 
 
Các chủ đề có liên quan khác

Các chủ đề có liên quan khác

Top