daigai

Well-Known Member
Tham khảo 1

Bài 8 : Viết bài văn mô tả đồ vật trong gia đình mà em yêu thích.

Bài làm

Cái đồng hồ

Chiếc đồng hồ xinh xắn để trang trọng trên bàn học tại gia đình là quà tặng sinh nhật mẹ mua cho khi em vừa tròn 9 tuổi ( 10-10-2004) . Đó là đồng hồ điện tử báo thức nhãn hiệu PEARL của Trung Quốc.

Chiếc đồng hồ vỏ bằng nhựa màu mận đỏ thẫm, mặt kính hình vuông. Các vạch phút, các con số chỉ giờ được bố trí trên đường tròn. Dưới con số 12 có hình vẽ trăng lưỡi liềm. Có 4 chiếc kim, to nhỏ, dài ngắn, màu sắc khác nhau. Kim ngắn nhất, to nhất chỉ giờ. Kim chỉ phút dài hơn, thanh mảnh hơn. Đầu kim giờ, kim phút có vệt lân tinh màu xanh nước biển để có thể nhìn rõ được trong đêm tối. Kim giây dài nhất đen nhánh, thon dài như cái tăm, lúc nào cũng cần mẫn chuyển động theo vòng tròn. Kim chuông báo thức màu rêu, dài hơn kim giờ một tí, nhỉnh hơn kim giây. Bốn chiếc kim đính chung vào một cái chốt nằm giữa tâm vòng tròn; cái chốt đen nhánh xinh xinh như một cái cúc bằng kim cương, óng ánh.

Phía sau mặt đồng hồ là một buồng máy hiện rõ trên vách nhựa trong, một cái khoang lắp pin tiểu “ Con Thỏ”. Có 2 cái núm bằng 2 chiếc cúc bạc để điều khiển giờ, phút và chuông báo thức. Có một gạt nhỏ bằng nhựa trong suốt để định giờ cho chuông reo. Cái Lý con chú Tâm học lớp 5 đã bày cho em cách lắp pin, cách điều chỉnh giờ phút, cách sử dụng chuông báo thức. Nó chê em là nhà quê, dễ ợt mà chẳng biết. Không biết thì hỏi, có chi mà tự ái, em nghĩ thế!

Trước đây, gia đình em cũng có một cái đồng hồ “Ba con mèo” nhưng lâu nay nó hay giở chứng, như con bò già ì à ì ạch, có hôm chạy chậm đến nửa tiếng. Từ ngày có cái đồng hồ điện tử báo thức ngồi chễm chệ trên bàn học, em đến trường rất chủ động. 6h30’ mỗi sáng, em khoác ba lô sách vở lên vai, đội mũ lên đầu, chào ông bà, chào bố mẹ, em đi bộ đến trường. Chiều nào cũng 13h30’ em đi đến lớp. Chưa bao giờ đến muộn như một vài bạn khác. Việc học tập ở nhà, em làm đúng giờ bố mẹ dặn: 19h-21h30’ học bài, làm bài. 21h45’ đi ngủ. 6h nghe chuông reo, em thức dậy, rửa mặt, đánh răng, ôn lại bài độ 10-15 phút , rồi chuẩn bị đi học.

Chiếc đồng hồ báo thức nhỏ bé đối với em vô cùng thân thiết. Nó rèn luyện cho em đức tính chu đáo, khoa học trong cuộc sống, học tập, nghỉ ngơi và vui chơi hằng ngày. Em không còn phải chạy táo tác sang nhà chú Hy hỏi giờ như mọi khi nữa.

Chiếc đồng hồ là quà tặng, chứa đựng bao tình thương của mẹ: “Lan ơi! Con gái mẹ, ngày mai bước sang 10 tuổi rồi đấy nhé”.Mẹ vừa nói vừa ôm con gái bé bỏng vào lòng.

Có nhiều hôm giữa đêm khuya thanh vắng, nghe tiếng kêu “ tích tích” ,đều đều, em tưởng như cái đồng hồ nhỏ bé đang thầm thì với em : “ Cố gắng! Cố gắng!”

Mỗi sớm, trong tiếng gà gáy lao xao gần xa, tiếng chuông đồng hồ reo, đối với em đó là khúc ca bình minh, là hành khúc lên đường.
Nhiều lúc, ngắm chiếc đồng hồ bé nhỏ thân yêu, em khẽ thốt lên:

“Chú mày ơi, ta yêu chú mày lắm! Chú mày đã bảo cho ta biết : Thì giờ còn quý hơn vàng bạc!...”.

Hoàng Thị Xuân Lan
Mĩ Đức – Hà Tây*

THam khảo 2
Bài 9 : Tả một đồ vật trong nhà có nhiều kỉ niệm sâu sắc mà em yêu thích.

Bài làm

Bộ xa-lông nhà em

Bộ xa-lông bằng gỗ lát hoa để ở phòng khách là kỉ vật của ông nội. Ngày về hưu, Bộ Tư lệnh Quân đoàn II đã tặng ông bộ xa – lông này.

Ông nội về hưu được sáu năm thì qua đời trong nỗi buồn xót thương của con cháu. Tính đến nay, ông mất đã bốn năm. Bộ xa-lông đã bóng lên màu nâu thẫm, màu thời gian 20 năm có lẻ.

Nhà bố mẹ em ở là ngôi nhà cổ 5 gian lợp ngói do ông bà để lại.

Cho đến nay, bộ xa – lông vẫn là thứ có giá trị nhất trong gia đình . Ở gian giữa bày bàn thờ ông bà và kê bộ xa-lông. Mặt bàn lại được úp lên một tấm kính màu rất đẹp, nặng phải đến hai người mới xê dịch được. Chiếc ghế bên trái ngoài cùng là nơi ông ngồi đọc báo, uống trà và tiếp khách. Ông không biết hút thuốc lào, thuốc lá. Trên bàn chỉ bày biện một bộ ấm trà loại quần ẩm và sáu chiếc chén xếp ngay ngắn trên chiếc đĩa to men xanh.

Em vẫn nhớ như in hình ảnh ông ngồi pha trà, uống trà mỗi sáng khi con cháu đang mơ màng ngủ. Mái tóc bạc phơ, ông tựa lưng vào ghế, trông gương mặt phúc hậu của ông thật đẹp. Nơi ông ngồi ngày xưa thì bây giờ bố em vẫn thường ngồi. Nhiều lúc, bố ngồi lặng lẽ ngắm lên bàn thờ, đăm chiêu nhìn dáng ông bà, và ba tấm Huân chương cao quý của ông để lại lồng trong khung kính. Đến ngày giỗ ông, năm nào bố em cũng pha một ấm trà, loại chè móc câu Thái Nguyên mà ngày xưa ông thích uống, đặt lên mặt bàn xa-lông . Bố trịnh trọng rót trà vào sáu chiếc chén, rồi lầm rầm khấn trong làn khói trầm quyện đưa hương.

Ngày nào bố cũng lau chùi bộ xa – lông một, hai lần. Bố mẹ đã bàn : sang năm anh Ngọc tốt nghiệp trường đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ lát gạch hoa nền nhà và thuê thợ đánh véc-ni lại bộ xa-lông cho đẹp.

Với ông thì bộ xa-lông là tình đồng đội, tình chiến đấu. Mỗi lần có cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cũ về thăm ông, bộ xa – lông là nơi tụ của bao tình đồng chí, tình đồng đội vô cùng thắm thiết. Còn với con cháu hiện nay và sau này, bộ xa – lông là kỉ vật thiêng liêng của người cha, người ông kính yêu để lại. Mỗi lần được bố sai đi rửa chén, lúc đặt lên mặt bàn xa-lông em lại bồi hồi tưởng như thấy ông đang ngồi trầm ngâm uống trà mỗi sáng mỗi chiều.

Năm tháng đã trôi qua, nhưng mái nhà êm ấm của gia đình em vẫn lưu giữ bao kỉ niệm sâu nặng ân tình của ông bà nội. Mảnh vườn nhỏ xinh xắn trồng rau, mấy chậu hoa, góc sân lát gạch, cái bể đựng nước mưa,…và bộ xa – lông bằng gỗ lát hoa này như tiếng nói của gia tiên vọng về trong tâm hồn con cháu mỗi sáng, mỗi chiều, nhất là trong những ngày giỗ ngày Tết.

Nguyễn Phương Trà, Lớp 5C
Trường Tiểu học Phú Vang – Thừa Thiên Huế*

Tham khảo 3
Đề bài:

Hãy ghi lại một đoạn văn tả một đồ dùng sinh hoạt gia đình mà em đã đọc được.

Yêu cầu

- Thể loại: Miêu tả.
- Nội dung: Miêu tả bộ bàn ghế mây.
- Trọng tâm: Ghi lại được một cách chính xác đoạn văn miêu tả tiêu biểu đó.

BÀI VĂN

Điền có bốn cái ghế mây. Tất cả đồ đạc trong nhà chỉ có bốn cái ghế mây là có giá.

Chao ôi! Cũng mang tiếng là ghế mây!...Cái thì xộc xệch, cái thì bốn chân rúm lại, và chẳng cái nào là nước sơn không róc cả ra như da thằng hủi. Trông đủ thảm. Điền không biết giá nhưng Điền đoán chừng mới mua thì cũng đắt. Xóm Điền cũng chẳng nhà nào có những thứ đồ đạc đắt tiền như thế. Vợ Điền quý lắm. Thị rất xót xa khi thấy những ông khách cục súc sau khi đã nắc nỏm khen bộ ghế vừa đẹp vừa thanh, lại đặt cái mông đít to bành bạnh như cái vại lên trên mặt ghế, khiến ghế phải oải hẳn về phía sau. Như thế phỏng còn gì là ghế. Có là ghế sắt cũng phải hỏng, đừng nói gì đến ghế mây!

...Những buổi có trăng. Điền khuân đủ bốn cái ghế ra sân. Rồi Điền gọi vợ con ra. Vợ bế con nhỏ ngồi một chiếc. Con lớn một chiếc. Còn một chiếc Điền dùng làm gác chân. Họ ngồi ghế đợi trăng lên.

Nam Cao

Nhận xét

Mở đầu, tác giả giới thiệu ngay giá trị của bốn chiếc ghế mây trong mối tương quan với các đồ vật khác của gia đình. Cách giới thiệu ấy tôn cao giá trị bốn chiếc ghế, coi nó vào hàng bậc nhất, duy nhất có giá trị ở trong nhà.

Cách nói ấy có tác dụng làm nổi bật sức nặng miêu tả ở đoạn kế tiếp. Sự tương phản giữa cách giới thiệu trịnh trọng về giá trị của chiếc ghế với hiện thực xấu xí, kém cỏi càng nhấn mạnh thêm cái xấu xí, kém cỏi, càng chua chát thêm cho cái cùng kiệt của chủ nhân nó! Câu văn của tác giả như điểm mặt từng chiếc ghế, nhìn từ đầu đến chân từng chiếc một. Và cuối cùng thì nhìn lướt qua một lượt. Từ dùng của tác giả cũng thật gợi cảm.

Tả đồ vật bằng những chi tiết gợi tả, luôn luôn gắn đồ vật với cách nhìn, cách đánh giá của con người, sắp đặt chi tiết để làm nổi bật y định, hình ảnh miêu tả, đó là nét đặc sắc trong cách tả của Nam Cao thể hiện qua đoạn văn trên.


Theo Vũ Khắc Tuân


Đề khác: Miêu tả một con vật mà em yêu thích nhất
 

daigai

Well-Known Member
Hãy ghi lại một đoạn văn tả một đồ dùng sinh hoạt gia đình mà em đã đọc được.

Yêu cầu

- Thể loại: Miêu tả.
- Nội dung: Miêu tả bộ bàn ghế mây.
- Trọng tâm: Ghi lại được một cách chính xác đoạn văn miêu tả tiêu biểu đó.

BÀI VĂN

Điền có bốn cái ghế mây. Tất cả đồ đạc trong nhà chỉ có bốn cái ghế mây là có giá.

Chao ôi! Cũng mang tiếng là ghế mây!...Cái thì xộc xệch, cái thì bốn chân rúm lại, và chẳng cái nào là nước sơn không róc cả ra như da thằng hủi. Trông đủ thảm. Điền không biết giá nhưng Điền đoán chừng mới mua thì cũng đắt. Xóm Điền cũng chẳng nhà nào có những thứ đồ đạc đắt tiền như thế. Vợ Điền quý lắm. Thị rất xót xa khi thấy những ông khách cục súc sau khi đã nắc nỏm khen bộ ghế vừa đẹp vừa thanh, lại đặt cái mông đít to bành bạnh như cái vại lên trên mặt ghế, khiến ghế phải oải hẳn về phía sau. Như thế phỏng còn gì là ghế. Có là ghế sắt cũng phải hỏng, đừng nói gì đến ghế mây!

...Những buổi có trăng. Điền khuân đủ bốn cái ghế ra sân. Rồi Điền gọi vợ con ra. Vợ bế con nhỏ ngồi một chiếc. Con lớn một chiếc. Còn một chiếc Điền dùng làm gác chân. Họ ngồi ghế đợi trăng lên.

Nam Cao

Nhận xét

Mở đầu, tác giả giới thiệu ngay giá trị của bốn chiếc ghế mây trong mối tương quan với các đồ vật khác của gia đình. Cách giới thiệu ấy tôn cao giá trị bốn chiếc ghế, coi nó vào hàng bậc nhất, duy nhất có giá trị ở trong nhà.

Cách nói ấy có tác dụng làm nổi bật sức nặng miêu tả ở đoạn kế tiếp. Sự tương phản giữa cách giới thiệu trịnh trọng về giá trị của chiếc ghế với hiện thực xấu xí, kém cỏi càng nhấn mạnh thêm cái xấu xí, kém cỏi, càng chua chát thêm cho cái cùng kiệt của chủ nhân nó! Câu văn của tác giả như điểm mặt từng chiếc ghế, nhìn từ đầu đến chân từng chiếc một. Và cuối cùng thì nhìn lướt qua một lượt. Từ dùng của tác giả cũng thật gợi cảm.

Tả đồ vật bằng những chi tiết gợi tả, luôn luôn gắn đồ vật với cách nhìn, cách đánh giá của con người, sắp đặt chi tiết để làm nổi bật y định, hình ảnh miêu tả, đó là nét đặc sắc trong cách tả của Nam Cao thể hiện qua đoạn văn trên.


Theo Vũ Khắc Tuân*
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top